Mùa Biển Động

Tháng Hai 16, 2010

Mùa Biển Động Chương 113

Chương 113

Ngữ và Quỳnh Trang về tới nhà thì Quế cho biết có ông nhà báo nào ở Sài gòn ra có đến tìm Ngữ hai lần. Ngữ ngạc nhiên hỏi:

– Ông ta tên gì?

– Em không nhớ, tên bốn chữ nghe lạ lắm, như là một nhân vật kiếm hiệp. Ông ta còn trẻ, tóc để dài, nói giọng Bắc.

Ngữ không nhớ đã quen với người bạn làm báo nào đúng như Quế mô tả. Quế nói:

– À, ông ấy có viết cho anh mấy chữ đây.

Trong khi Quế đi tìm mảnh giấy của người khách, Ngữ hỏi Quỳnh Trang:

– Em buồn ngủ chưa? .

Quỳnh Trang được hỏi han, sung sướng làm ra vẻ buồn ngủ và mệt nhọc, hỏi lại:

– Em hơi mệt. Tối nay em ngủ ở đâu?

Ngữ thấy Quế vẫn chưa ra, nói nhỏ với Quỳnh Trang:

– Với anh.

Quỳnh Trang giẫy nẩy nhưng giọng nói khao khao mệt mỏi và hơi ngái ngủ. Ngữ nghe giống như giọng một người vợ vừa lơ mơ thức dậy trong tay chồng sau một đêm ái ân:

– Chết! Không được đâu. Em cũng mong tới ngày cưới. Còn ba tháng nữa đoạn tang ba, phải không anh?

Quế trở ra nhà ngoài nên Ngữ không trả lời Quỳnh Trang được. Trong khi Ngữ đọc lời người lạ nhắn, Quỳnh Trang nói với Quế:

– Tối nay chị ngủ với em nhé?

Quế nói:

– Chị Nam giành mất rồi. Chị Nam chờ chị cả buổi tối.

Hai cô gái đi vào phòng sau. Ngữ đọc thấy mấy lời nhắn viết tháu trên tờ giấy vở học trò xé vội:

“Tôi là Tiểu Hồng Thất Công, giữ mục phóng sự điều tra cho nhật báo Thép, ra đây có chút việc. Trước khi đi, tôi có gặp Tân ở Givral, nó bảo ra Qui nhơn, thì nên tìm gặp anh để nhờ giúp đỡ tôi vụ điều tra. Tôi tới đây lần thứ hai mà anh vẫn chưa về. Tôi ở phòng 224 khách sạn Hòa Bình, anh có rảnh ra chơi. Có thể khoảng 11 giờ tôi sẽ trở lại một lần nữa, để hỏi anh vài điều chuẩn bị ngày mai gặp ông Tỉnh trưởng. Tân gửi lời thăm anh”.

Ngữ chịu, không thể biết ông nhà báo này là ai. Thời gian làm việc ở tòa báo Tiền Tuyến, tuy Ngữ không được viết bài, chỉ sửa bản vổ nhưng mỗi lần gặp bạn bè trong giới viết lách ở quán Pagode, Givral, các nhà báo khác vẫn nửa đùa, nửa thật liệt chàng vào loại ký giả nhà nước, ký giả gia nô.

Ngữ không hề tha thiết với nghề báo, được khen hay chê trong tư cách một ký giả, Ngữ không hề quan tâm, nên mỗi lần gặp các tay nhà báo, Ngữ giữ một khoảng cách lạnh lẽo nào đó, không thân thiện hòa đồng như cách đối xử của Tân, người bạn cùng làm việc ở Tiền Tuyến và thuê chung phòng với chàng tại Khánh hội. Không phải Ngữ xem thường nghề làm báo, hoặc phủ nhận vai trò của báo chí. Chàng chỉ thấy tâm tính mình không hợp với nghề này. Ngữ là một người phản ứng chậm, thích ứng kém với các biến chuyển bên ngoài, đối phó dở với các thử thách, nên chàng biết mình không thể nào thoải mái được với nghề báo. Chưa kể vì thích văn chương nên Ngữ cho rằng đời sống đích thực là cái gì huyền nhiệm phức tạp, phải cần một khoảng cách thời gian và không gian mới có thể viết được. Văn chương xài đồ nguội, trong khi báo chí xài đồ nóng, có khi do nhu cầu cạnh tranh và nhu cầu lôi kéo thị hiếu quần chúng, báo chí không cần cả những món nóng nấu chín. Một mảng thời sự bay tới, nếu hấp dẫn, báo chí có thể chộp ngay lấy, thêm mắm muối loan ngay, hư thực về sau nếu biết sẽ tính. Đời sống phải luôn luôn tươi rói, nóng hổi, xơi tái đã là chậm, huống hồ chờ đợi đĩnh đạc cho chín nhừ như mấy ông làm văn chương!

Ngữ vò mảnh giấy vứt vào sọt rác ở chân bàn, ngồi xuống divan cởi giày. Bộ pyjama mới vẫn còn vất trên thành ghế. Chàng định thay quần áo rủ Quỳnh Trang đi dạo trước đường Cường Để một chút rồi mới về ngủ, thì có tiếng gõ cửa.

Ngữ xỏ dép, ra vặn chìa khóa mở cánh cửa gỗ nhìn ra mặt đường. Ánh đèn đường giúp cho Ngữ thấy một thanh niên trạc tuổi Ngữ đang đứng chờ, chiếc cyclo vẫn còn đậu dưới tàn keo.

Người lạ hỏi:

– Anh là Ngữ phải không?

– Vâng.

Người lạ không tỏ ra vẻ gì vui mừng, chỉ đưa tay bắt, và nói:

– Tôi là Lĩnh, báo Thép. Cô gì đó có đưa cho anh mảnh giấy tôi gửi?

– Vâng!

– Để tôi ra cho ông cyclo đi, khỏi phải chờ. Tôi tưởng xa phải kêu cyclo. Ai ngờ gần quá. Nói chuyện với anh một chốc, tôi đi bộ về khách sạn cũng được chứ gì?

– Được. Chỉ cần đi hết đường Cường Để này, rẽ tay phải là tới khách sạn Hòa Bình.

Anh nhà báo trở ra đường, cò kè cãi vả với bác phu cyclo một lúc về giá cả, rồi trở vào. Ngữ đứng chặn cánh cửa để gió khỏi thổi đóng ập tấm ván ép vào khung, mời anh nhà báo vào nhà. Thấy khách thản nhiên kéo ghế ngồi không đợi mời, Ngữ cũng không khách sáo, ngồi lên chiếc divan chờ nghe. Anh nhà báo hỏi:

– Ngoài này anh có đọc báo Thép không?

Ngữ thành thật đáp:

– Tôi đọc không thường xuyên báo nào cả. Đọc đều nhất là tờ Chính Luận, vì có sẵn ở cơ quan.

– Hồi chiều xuống máy bay, lấy phòng khách sạn xong, tôi đi thăm các hiệu sách và sạp báo ở đây, mới thấy là ban phụ trách phát hành của tờ Thép làm ăn kém quá. Báo gửi ra quá lèo tèo, so với Chính Luận và Sóng Thần. Một phần cũng do ông chủ nhiệm lâu nay chỉ quan tâm tới Sài gòn và miền Tây. Ông người Nam mà! Tôi hy vọng sau loạt điều tra phóng sự tôi thực hiện ở các tỉnh Miền Trung, tờ Thép dễ bán ở đây hơn.

Ngữ hỏi thẳng:

– Anh ra đây vì vụ gì vậy?

Giọng anh nhà báo cất cao lên, đầy tự mãn:

– Anh biết bút hiệu của tôi là Tiểu Hồng Thất Công” chứ gì. Tôi đi một vòng các tỉnh để xài cây đả-cẩu-bổng. Mới ở đây vài tiếng đồng hồ, tôi đã thấy có lẽ tôi đã tìm được đất để vung cây gậy đánh chó rồi!

Ngữ mím môi vì giận, nhưng dằn lòng không nói gì. Người khách thấy Ngữ im lặng, vội nói:

– Tôi biết anh làm việc ở đây, bị kẹt. Anh khỏi lo. Tôi đã quen việc đấu trí với các ông đầu tỉnh, đầu quận. Quan trọng là họ có biết điều hay không… có hối lỗi và dừng lại hay không. Nếu họ biết điều, tòa báo sẵn sàng bỏ qua. Tờ Thép cứng, nhưng không phải lúc nào cũng cứ lăn xả vào người ta mà rêu rao bêu xấu. Anh đọc tờ Thép, chắc thấy điều đó. Anh không nên ngại.

Ngữ chịu đựng không nổi, nhưng cố lấy giọng ôn hòa nói:

– Có lẽ tôi không giúp được gì cho anh đâu. Tôi mới về Tiểu khu ít lâu, không biết gì nhiều. Có lẽ còn biết ít hơn anh nữa.

Anh nhà báo cười:

– Có lẽ thế. Tôi có mang theo tài liệu hai bên tố nhau. Tôi xoay được ở Bộ, nhờ một thằng bạn giữ phòng sắp xếp hồ sơ. Ông chủ nhiệm đồng ý đây là một vụ lớn, nên mới chịu chi cho tôi ra đây một tuần lễ, muốn tiêu gì thì tiêu khỏi cần suy tính. Này, tôi hỏi anh cái này: ở đây mỗi lần dân làm báo ở Sài gòn ra, Tòa Tỉnh cho ở khách sạn nào?

– Tôi không rõ.

– Tôi vừa ra khỏi phi trường, leo lên cyclo, đã hỏi ở Qui nhơn khách sạn nào sang nhất. Họ nói khách sạn Hòa Bình. Tôi bảo chở thẳng tới. Có khá thật, tuy so với Sài gòn chẳng nhằm nhò gì. Tôi có lấy điện thoại của khách sạn gọi cho xừ Tỉnh phó, nhưng không gặp. Lũy ra sao?

– Tôi không hiểu rõ lắm. Tôi làm việc ở Tiểu khu, lâu lâu mới có chuyện liên lạc với Tòa Hành chánh.

Anh nhà báo cười lớn, giọng pha chế giễu thương hại:

– Anh có vẻ ngại, cái gì cũng không nghe, không thấy, không biết.

Ngữ nổi giận:

– Xin lỗi anh, tôi với anh chưa hề quen nhau. Tôi thấy nói chuyện bấy nhiêu đã đủ.

Anh nhà báo ngớ ra, chưa tin là chủ nhà giận mình. Anh nhìn đăm đăm vào mặt Ngữ. Ngữ cũng nhìn thẳng vào mắt anh nhà báo, môi mím để tỏ sự bất mãn. “Tiểu Hồng Thất Công” nói:

– Thôi được. Anh đã không chịu giúp tôi thì tôi tụ xoay xở lấy. Tôi tiếc cho anh.

Ngữ đứng dậy tỏ ý muốn đuổi khách về. Anh nhà báo đứng lên khỏi ghế, trước khi quay gót ra cửa còn nán lại dụi tắt điếu thuốc Craven A mới hút được không đầy một nửa vào cái gạt tàn.

***

Quỳnh Trang đưa cho Ngữ một bao giấy gói ghém cẩn thận, dặn:

– Anh đem cái này theo để ăn trưa. Sáng nay em hỏi Quế, nó ú ớ không biết buổi trưa ở lại sở anh ăn uống thế nào. Thật bậy.

Ngữ cảm động vì được săn sóc bất ngờ, nói quá đi một chút:

– Ôi, hơi đâu lo cho anh. Nhiều bữa bận quá, anh uống cà phê hút thuốc trừ cơm. Có chết chóc ai đâu!

Quỳnh Trang trợn mắt, trách:

– Anh cẩu thả thế, có ngày vật xuống đau đấy! Trong chỗ anh làm không có câu lạc bộ à?

– Có đấy. Nhưng toàn mì gói với lại cà phê Mỹ. Anh không chịu được cà phê Mỹ. Còn mì thì ớn đến tận cổ.

Quỳnh Trang nói:

– Em bới cho anh ổ bánh mì thịt và lon Coca. Có cả một gói trà sâm Đại hàn, nếu trong đó có nước sôi anh pha để uống.

Ngữ nắm lấy tay Quỳnh Trang bóp nhẹ để cảm ơn. Vết chai trong lòng bàn tay Quỳnh Trang cộm lên trong tay Ngữ. Ngữ cảm thấy lòng thương cảm nhè nhẹ, êm đềm. Chàng hỏi:

– Em đúng là một bà nội trợ gương mẫu. Chương trình hôm nay em làm gì?

– Em xuống chợ xem hàng hóa ở đây ra sao, liệu có thể mua được thứ gì đem về Sài gòn không.

Quỳnh Trang đưa tay che miệng ngáp, mỉm cười giấu bối rối, và nói:

– Đêm qua em với Nam nói chuyện, khuya mới ngủ. Anh coi đã tới giờ đi làm chưa?

Ngữ nhìn đồng hồ thấy đã trễ mười phút. Chàng vội nói:

– Thôi anh phải đi. Chiều nay về sớm anh chở em đi quanh đây cho biết.

***

Ngữ vào văn phòng Tiểu khu phó thì Trung tá Thanh nói:

– Không biết có chuyện gì gấp mà ông Phó hai ba lần điện thoại hỏi cậu. Cậu gọi lại cho ông ấy ngay.

– Gọi ở nhà hay ở văn phòng?

– Ở văn phòng.

Ngữ quay số điện thoại văn phòng ông Phó tỉnh trưởng. Bên kia đầu dây, giọng cô thư ký đáp:

– Ông Phó bận tiếp khách. Xin lỗi xin cho biết quí danh để chúng tôi trình ông Phó.

– Tôi là Chuẩn úy Ngữ ở văn phòng Tiểu khu phó. Ông Phó tỉnh trưởng vừa gọi hỏi tôi. Cô trình với ông Phó là tôi xin hầu chuyện.

Giọng cô thư ký vui mừng:

– May quá, ông Phó đang chờ điện thoại của anh. Xin anh giữ máy.

Có tiếng lục cục trong ống nghe, và một lúc sau, giọng ông Phó tỉnh:

– Anh Ngữ hả? Có anh Lĩnh báo Thép hiện đang ngồi ở văn phòng tôi. Đã ăn sáng chưa qua đây đi ăn điểm tâm với tụi này.

Ngữ bối rối không biết phải trả lời thế nào. Trong thâm tâm, chàng không muốn gặp lại anh nhà báo đó. Ngữ tìm cách trì hoãn:

– Ông Phó để cho tôi hỏi Trung tá xem có việc gì cần làm gấp không. Xin ông Phó chờ cho một chút.

Ngữ bịt ống liên hợp lại, quay sang nói với Trung tá Thanh:

– Có tay phóng viên nhật báo Thép ra đây điều tra vụ gì đó. Hình như vụ xích mích giữa Đại tá với Tỉnh đoàn. Hắn đang ngồi bên văn phòng ông Phó.

Trung tá Thanh hỏi:

– Cậu có quen hắn không?

– Thưa không.

– Họ cần gì mình?

– Ông Phó chỉ rủ đi ăn sáng với tay nhà báo.

Trung tá Thanh suy nghĩ một lúc, rồi nói:

– Cậu nên đi, để nếu được, tìm cách đừng cho báo chí khai thác vụ này. Chẳng có lợi gì cả, chỉ thêm rối!

Ngữ bỏ tay khỏi mặt ống liên hợp nói:

– Ông Phó vẫn nghe tôi đấy chứ?

– Vâng, tôi đang chờ đây.

– Chừng mười lăm phút nữa tôi sẽ qua bên văn phòng ông Phó.

Bên kia đầu dây, ông Phó nói:

– Được, chúng tôi chờ.

Ngữ vào văn phòng ông Phó thì chỉ thấy một mình ông ngồi đấy, chứ không thấy ông nhà báo đâu. Không đợi Ngữ hỏi, ông Phó nói:

– Tôi vừa sai bác tài xế đưa anh ta xuống chợ mua mấy hộp thuốc lá Craven A.

Ông Phó cười, giọng mỉa mai:

– Các ông nhà báo xài sang dữ. Than hết thuốc lá, tôi đưa bao Marlboro ra mời, anh ta nói chỉ quen hút Craven A, mà là Craven A loại năm mươi điếu đựng trong hộp thiếc chứ không phải loại bao hai mươi điếu. Tôi từng tiếp nhiều ông nhà báo ở Sài gòn ra “kinh lý”, chưa thấy ông nào ghiền thuốc lá cầu kỳ như ông này. Chắc phải hút đúng hiệu thuốc lá đó thì sử dụng cây đả cẩu bổng mới chính xác, phát huy đủ mười hai thành công lực. Này, anh quen thân với hắn không?

Ngữ đáp:

– Tôi không quen.

Ông Phó ngạc nhiên:

– Thế sao anh ta bảo đã từng làm báo với anh. Tối hôm qua, anh ta đi chơi tới khuya với anh mà!

Ngữ bực dọc nói:

– Anh ta nói với ông Phó thế à? Tối hôm qua anh ta có đến tìm tôi, vì có người bạn ở chung với tôi ở Sài gòn giới thiệu. Hồi làm ở tờ Tiền Tuyến, tôi rất ít thích tiếp xúc với giới ký giả nên không quen ai. Anh này, tôi chưa hề biết mặt, cả tên của anh ta, tôi mới biết lần này là lần đầu.

Ông Phó nhìn Ngữ, ánh mắt chưa hoàn toàn tin lời Ngữ, nhưng ông che giấu ngay được thái độ hoài nghi, vui vẻ nói:

– Vậy là ông nhà báo này xạo quá. Anh thấy tờ Thép có bán ngoài tiệm không?

– Có. Nhưng bán không chạy bằng Sóng Thần và Chính Luận.

Có tiếng giày đi lại ngoài hành lang, và tiếng gõ cửa. Ông Phó vội nói:

– Hắn đã về. Ta chuẩn bị đi ăn sáng đi.

Anh nhà báo đẩy cửa vào văn phòng, tay ôm một bọc giấy khá lớn. Thấy Ngữ, Lĩnh mừng rỡ chạy đến ôm chầm lấy, hớn hở nói:

– Lại gặp cậu! Tôi hôm qua ngủ ngon chứ?

Rồi quay về phía ông Phó, anh nhà báo nói:

– Tôi giành trả tiền nhưng bác tài nhất định không cho. Ông Phó chu đáo quá, không biết lấy gì để đáp lễ ông Phó đây. Thuốc lá ở đây rẻ thật. Giá chỉ bằng nửa giá ở Sài gòn. Có điều khách sạn đắt quá. Có lẽ lính Mỹ thuê phòng nhiều nên giá tiền phòng cao gấp đôi Sài gòn. Tôi cứ tưởng rẻ, lấy phòng ở khách sạn Hòa Bình. Ông Phó có quen chủ khách sạn Hòa Bình không, nói cho một tiếng để họ bớt cho dân nhà báo nghèo chút đỉnh.

Ông Phó cười rất tếu:

– Anh đừng lo. Ở đây nhỏ như cái lỗ mũi, quen biết nhau cả.

Lĩnh đặt bao thuốc lá lên bàn ông Phó, bất kể đống công văn trên bàn, rồi quay lại hỏi:

– Ở đây có tiệm ăn nào ăn được không? Tôi mời ông Phó và bạn Ngữ ăn sáng.

Ông Phó vội xua tay:

– Tôi là chủ nhà, tôi mời. Nào, chúng ta đi!

*****

Blog tại WordPress.com.